Xu hướng logo - có hay không?

Một bạn trẻ chia sẻ trong một group về 15 xu hướng logo nhưng không phân biệt được rõ ràng thế nào là xu hướng logo và tính ứng dụng, giá trị của nó là gì. Bài viết (như thường lệ) thu về lượng like, share cao. Nên tôi lại phải viết một bài góp ý. Đã post group đó. Tôi post tiếp đây với tinh thân chia sẻ những thứ basic cho fresher.
 
Advertisement ADS

1. Có cái gọi là xu hướng logo không?

- Có. Nhưng đó chính xác là xu hướng của ngôn ngữ đồ hoạ trong thiết kế logo. Ví dụ như có đợt thì “mốt” logo mảng bệt (đơn sắc) âm - dương bản rõ ràng; có đợt thì mốt logo 3D; có đợt thì mốt logo màu gradient;...

- Nhắc lại, đó chỉ là xu hướng nổi trội của ngôn ngữ, phong cách đồ hoạ thôi. Nếu brand nào ra đời trong thời điểm đó hoặc rebrand trong thời điểm đó mà ngành hàng, phân khúc, định vị phù hợp để sử dụng một trong các ngôn ngữ đồ hoạ đang thịnh hành thì có thể agency/ designer sẽ đưa nó vào thiết kế của mình. Điều này có thể là chủ đích của designer hoặc cũng có thể do designer bị ảnh hưởng một cách vô thức. Kiểu như sống trong thời đang lên của rap thì marketer/ content writer ít nhiều cũng sẽ có dăm ba chiếc content theo dạng chơi vần, wordplay, punchline,...

2. Xu hướng thiết kế logo có giá trị và cần thiết không?

- Có. Nó giá trị, cần thiết ở góc nhìn vĩ mô toàn ngành thiết kế logo và rộng hơn là thiết kế đồ hoạ. Vì nhờ có xu hướng mà những ngôn ngữ, phong cách, kỹ thuật thiết kế đồ hoạ mới được ra đời. Các xu hướng rồi sẽ qua đi, nhưng những nguyên lý sáng tạo sẽ ở lại, được kế thừa và phát triển tiếp qua thực tế lao động và những kết hợp (như Steve Jobs đã nói: Creativity is about connecting the dots.)

- Cần thiết để xem xét, cân nhắc về xu hướng đồ hoạ khi thiết kế một logo cụ thể nào đó nhưng không phải là bắt buộc và không có tính quyết định. Cái quyết định logo sẽ có phong cách đồ hoạ nào nằm ở chiến lược thương hiệu với những chỉ dẫn cụ thể về các đặc thù của ngành hàng (category first), phân khúc thị trường, chân dung khách hàng mục tiêu, bản sắc thương hiệu (gọi là brand essence hay brand platform, brand concept, brand DNA...). Vì mọi xu hướng đồ hoạ rồi sẽ qua đi (có thể trở lại với tinh thần, sức sống mới kiểu retro) nhưng cái cần lưu giữ được trong tâm trí khách hàng, công chúng là hình ảnh thương hiệu (brand image) mà doanh nghiệp/ tổ chức mong muốn định vị. Logo, cuối cùng cũng chỉ là một trong những dấu hiệu nhận biết thương hiệu, giúp phân biệt và đại diện cho những giá trị mà doanh nghiệp/ tổ chức cam kết mang đến cho thị trường, xã hội. Vì thế, designer hay nhà quản trị thương hiệu, chủ thương hiệu cần quan tâm và thấu hiệu về bản chất mang tính chiến lược này thay vì sa đà vào những xu hướng thiết kế ở góc độ hình thức.

Advertisement ADS

P/S: Nên cảnh giác và tỉnh táo với các bài viết có tên “xu hướng”, “nguyên lý”, “tuyệt kỹ”, “tuyệt chiêu”, “bí kíp”, “concept”, “chiến lược”, “công thức”,... và có kèm theo con số. Vì hầu hết đó là các bài để làm SEO, làm thương hiệu cá nhân, chạy KPI reach, engagement... Toàn bài đào mộ rồi tổng hợp, xào nấu từ các nguồn khác nhau mà không phải tự nghiên cứu hay thậm chí người biên tập còn chả có kiến thức và trải nghiệm thực tế gì. Cùng một chủ đề và nội hàm, ông A viết là 10 nguyên lý, bà B viết là 20 tuyệt chiêu, anh C viết là 15 concept, chị D viết là 30 xu hướng... Có những thứ chỉ cần khai quát lại thành 3-5 nguyên lý thì họ tãi ra thành 10-15. Có những cái đáng ra phải bóc tách chi tiết, phân biệt rạch ròi thì họ lại gom vào một mớ hổ lốn... Có những kiến thức là của branding thì vì đang phải SEO hay xây dựng THCN mà họ nặn nó thành “còn ten” hay từ chiến thuật thì được nâng lên tầm chiến lược... Đây được coi là những “sản phẩm” điển hình của cái gọi là “nền kinh tế thuật ngữ” ở ta.

Nói chung là branding, personal branding, content marketing, SEO,... đều là những lý thuyết và kỹ thuật tuyệt vời để xây dựng định vị, danh tiếng, có được traffic, tương tác, chuyển đổi như mục tiêu của chủ thể. Nhưng không ít người đã lợi dụng nó quá mức khiến cho thế giới thông tin, kiến thức trên mạng loạn cào cào hết cả. Chỉ khổ các bạn trẻ ham học online và hào phóng niềm tin. Nhưng, đó cũng là một đặc điểm của thời đại này, mà ta có thể gọi nó là “xu hướng”. Người trẻ không thể tách mình khỏi xu hướng nên hãy làm chủ nó, chắt lọc những thứ hay ho nhất từ nó, cho đến khi tạo ra nó. Bắt đầu bằng việc học những thứ basic nhất nhưng chuẩn nhất, làm thật sự từ những thứ đơn giản, nhỏ nhất và, cẩn trọng với tất cả những bài viết có tên “xu hướng”. Nếu được góp ý, chỉ bảo hãy cầu thị, lắng nghe và dẹp bớt cái tôi đi.

(Theo Fb Bích Hịp)

Advertisement ADS